Khi tai bạn xuất hiện một số triệu chứng như: Đau nhức, sưng viêm, ù tai khả năng nghe không được rõ và linh hoạt như trước, thì đây là những dấu hiệu đầu tiên của các bệnh lý về tai. Lúc này, bạn cần nhanh chóng đến trung tâm chuyên khoa để kiểm tra, đo mức độ nghe của tai. Trong đó, việc đo thính lực đơn âm có vai trò quan trọng để đo lường mức độ nhạy cảm về khả năng nghe. Giúp bạn kiểm tra sự nhạy của thính giác để phát hiện những thay đổi theo thời gian.
Đo thính lực đơn âm là gì?
- Đo thính lực đơn âm là bài kiểm tra thính lực không gây đau, không xâm lấn để đo khả năng nghe với các âm thanh có cao độ và tần số khác nhau. Mục đích chính của đo thính lực đơn âm là để xác định loại và mức độ suy giảm thính lực.
- Đây còn được xem là phép đo nhằm kiểm tra mức âm thanh nhỏ nhất mà một người có thể nghe được. Phương pháp này được thực hiện đo từ tần số âm thanh thấp đến cao.
- Người đo tiến hành kiểm tra ngưỡng nghe từng tai, so sánh dẫn truyền đường khí và đường xương, từ đó đánh giá khả năng nghe của tai, cũng như tình trạng bất thường ở tai nếu có.
- Người bệnh phản hồi lại khả năng nghe ở từng dải tần số trong quá trình đo bằng cách giơ tay, bấm nút, hoặc ra tín hiệu….để người đo nhận định. Người đo cung cấp tai nghe hoặc ống nghe để người bệnh được kiểm tra kỹ lưỡng trong suốt quá trình đo.
Mục đích của đo thính lực đơn âm
- Đánh giá ngưỡng nghe để chẩn đoán tình trạng mất thính lực và mức độ suy giảm thính lực.
- Phân biệt nghe kém dẫn truyền, nghe kém tiếp nhận và nghe kém hỗn hợp.
- Hướng dẫn phẫu thuật hoặc can thiệp để cải thiện hoặc bảo tồn chức năng nghe.
- Đánh giá hiệu quả của máy trợ thính hoặc phẫu thuật có cải thiện được thính lực hay không.
- Đo thính lực đơn âm kiểm tra khả năng nghe.
Ai cần đo thính lực đơn âm
- Đo thính lực đơn âm có thể được đưa vào bài kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm tra khả năng nghe. Đặc biệt là các đối tượng làm việc, sinh sống trong môi trường ồn ào.
- Đo thính lực đơn âm được chỉ định khi bệnh nhân có dấu hiệu suy giảm thính lực. Nó cũng có thể được chỉ định khi có các triệu chứng tai khác như:
- Ù tai
- Chóng mặt
- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc phơi nhiễm tiếng ồn lâu ngày
- Tiếp xúc với chất độc tai.
- Đo thính lực đơn âm thường không sử dụng cho trẻ quá nhỏ vì không hợp tác trong quá trình kiểm tra hoặc bệnh nhân có một số bệnh lý không thể thực hiện kỹ thuật này.
Quy trình đo thính lực đơn âm
Để có thể đánh giá toàn diện và chính xác, người bệnh cần được tiến hành đo trong phòng đo thính lực. Các bước đo thính lực đơn âm được tiến hành như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị và kiểm tra thiết bị đo. Test thử loa trước khi đo, đánh giá sơ bộ nhằm xác định tai nghe tốt hơn của bệnh nhân rồi tiến hành đo tai đó trước.
- Bước 2: Bệnh nhân được tiến hành khám tai, lấy ráy tai (nếu có). Hoặc tháo bỏ máy trợ thính, các dụng cụ gây vướng khi lắp thiết bị đo.
- Bước 3: Hướng dẫn bệnh nhân ngồi khi đo, không giơ tay, không nói chuyện, giữ cho môi trường yên tĩnh. Đeo tai nghe headphone hoặc tai nghe nút trong tai cho bệnh nhân.
- Bước 4: Tiến hành thực hiện đo thính lực đơn âm theo cài đặt của máy. Đo từng bên tai một để có kết quả chính xác nhất.
- Bước 5: Đánh giá kết quả dựa trên thính lực đồ và các biện pháp chuyên khoa.
Hướng dẫn kỹ thuật đo
Tiến hành đo
Kết quả đạt được khi dùng phép đo thính lực đơn âm
- Xác định tình trạng sức nghe của tai, phát hiện bất thường nếu có.
- Nhận định được mức độ mất thính lực (mất thính lực nhẹ, trung bình, nặng, điếc sâu).
- Đánh giá được kiểu mất thính lực loại gì (mất thính lực dạng dẫn truyền, tiếp nhận, hỗn hợp).
- Cân nhắc đến việc dùng máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai.
Nếu bạn xuất hiện những triệu chứng trên, hãy đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bạn có thể đến ngay khoa Liên chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện để được các chuyên gia, bác sĩ kiểm tình trạng bệnh lý và đo thính lực.
Điều dưỡng Võ Ngọc Trang
Khoa Liên chuyên khoa – Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện.